Thoái hóa khớp gối là một trong những căn bệnh diễn tiến âm thầm nên có rất ít người phát hiện kịp thời. Đau mặt trước khớp gối, xuất hiện tiếng kêu lạo xạo khi gấp duỗi là dấu hiệu sớm nhất nhưng nhiều người thường chủ quan bỏ qua. Đến khi bệnh trở nên nặng sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và lao động hàng ngày của người bệnh. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến bạn những thông tin cần biết về bệnh thoái hóa khớp gối: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả nhất. Hãy cùng theo dõi và đẩy lùi bệnh tình bạn nhé!
Table of Contents
Bệnh thoái hóa khớp gối là gì?
Khớp gối có vị trí tiếp giáp giữa ba xương: đầu dưới của xương đùi, đầu trên của xương chày và mặt sau của xương bánh chè, được che phủ bởi sụn khớp. Khớp gối có vai trò rất quan trọng trên cơ thể. Khớp gối gánh toàn bộ cơ thể và là khớp vận động nhiều nhất, do đó nó rất dễ bị tổn thương và thoái hóa. Thoái hóa khớp gối là hiện tượng xảy ra những thương tổn trước hết trên bề mặt sụn khớp. Theo thời gian, sụn khớp bị bào mòn, trở nên xù xì và mỏng, mất tính đàn hồi, không bảo vệ được đầu xương. Sau đó xảy ra những biến đổi ở bề mặt khớp, tăng sự lắng đọng canxi hình thành các gai xương, và cuối cùng dẫn đến các biến dạng khớp, làm hư khớp.
Những nguyên nhân nào dẫn đến thoái hóa khớp gối?
Có rất nhiều nguyên nhân khiến khớp gối bị thoái hóa, những nguyên nhân thường gặp nhất có thể kể đến dưới đây.
Tuổi tác
Tuổi tác cơ thể càng cao đồng nghĩa với việc quá trình thoái hóa khớp gối diễn ra ngày càng mạnh. Từ đó, tình trạng phá hủy sụn khớp và gân cơ được thúc đẩy. Kết quả là gây ra những cơn đau cho khớp gối và làm hạn chế chức năng vận động.
Thoái hóa khớp gối hầu như xảy ra ở mọi người già và việc tránh khỏi là rất khó. Bên cạnh đó, tình trạng thoái hóa khớp người trẻ cũng không ngừng gia tăng trên thế giới.
Giới tính
Nữ giới có nguy cơ mắc bệnh thoái hóa khớp gối cao hơn nam giới. Việc suy giảm hormone estrogen làm giảm khả năng cung cấp chất dịch nhầy nuôi dưỡng sụn khớp. Do đó, đối tượng nữ giới ở độ tuổi tiền mãn kinh rất dễ bị thoái hóa khớp gối.
Chấn thương
Những vận động mạnh hàng ngày rất dễ gây ra té ngã và dẫn đến chấn thương, làm gãy xương bánh chè, đầu dưới xương đùi, giãn hoặc đứt dây chằng…khiến sụn bị tổn thương nghiêm trọng. Người bệnh nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến lệch trục khớp, gây thoái hóa từ từ.
Người thừa cân
Theo các nghiên cứu của chuyên gia, nếu trọng lượng cơ thể tăng 0.45kg thì khớp gối phải chịu thêm 1.5kg (khi đi) và chịu thêm 4.5kg (khi chạy). Trọng lượng dư thừa tạo áp lực lên hai khớp gối, sụn khớp nhanh hao mòn và hỏng dần theo thời gian. Theo khảo sát, phụ nữ thừa cân béo phì trên tuổi 40 có khả năng bị thoái hóa khớp gối cao gấp 6 lần so với người bình thường. Với những người béo phì, chỉ cần giảm 5kg sẽ giảm nguy cơ thoái hóa khớp và viêm khớp đến một nửa.
Không thường xuyên hoạt động cơ thể
Khi cơ thể ít vận động và luyện tập thể dục, các cơ bị lỏng lẻo, các khớp xương thiếu độ linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch. Nếu tăng sức mạnh cơ có thể giảm đến 30% nguy cơ phát triển thoái hóa khớp gối.
Vận động gắng sức
Lao động nặng hoặc tập luyện, chơi thể thao ở cường độ cao dẫn đến khớp thoái hóa nhanh.
Chế độ ăn uống không khoa học
Việc ăn uống thiếu chất khiến túi hoạt dịch tiết ra ít chất nhờn, uống rượu bia quá nhiều khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng.
Hệ miễn dịch phá hủy
Sụn khớp vốn không được nuôi dưỡng bởi mạch máu mà là bởi dịch khớp, do đó nó không được nhận biết là một phần của cơ thể. Thay vì bảo vệ, cơ thể tự sinh ra cơ chế hủy hoại sụn khớp khắp nơi, bất kể đó là sụn hư hay khỏe mạnh.
Các bệnh lý cơ thể
Nhiều bệnh có ảnh hưởng xấu đến xương khớp và sụn như béo phì, gút, tiểu đường, viêm khớp dạng thấp, hội chứng rối loạn chuyển hóa, bàn chân bẹt,…
Sử dụng thuốc Corticoid không đúng cách
Loại thuốc này được áp dụng nhiều trong điều trị chống dị ứng, kháng viêm, ức chế miễn dịch. Nếu quá lạm dụng corticoid càng làm tăng mức độ thoái hóa khớp.
Triệu chứng thường gặp của bệnh thoái hóa khớp gối
Bệnh thoái hóa khớp gối được chia thành những giai đoạn từ nhẹ đến nặng. Tương ứng với mỗi giai đoạn sẽ có những triệu chứng điển hình khác nhau:
Giai đoạn khởi phát
Ở giai đoạn này, người bệnh sẽ gặp phải những cơn đau ở mặt trước và trong khớp gối, nghe tiếng lụp cụp hoặc lạo xạo khi gấp duỗi. Tuy nhiên cơn đau thoáng qua và biểu hiện mơ hồ nên người bệnh không để ý.
Giai đoạn giữa
Bước qua giai đoạn này, người bệnh đau tăng khi vận động. Đặc biệt khi chuyển từ tư thế ngồi sang đứng, đi lại, lên xuống cầu thang, cơn đau giảm lúc nghỉ ngơi. Có hiện tượng cứng khớp buổi sáng kéo dài trong 30 phút hoặc ít hơn. Hầu như người bệnh không đi khám ngay mà chỉ dùng thuốc kháng viêm, giảm đau.
Giai đoạn thương tổn
Đến giai đoạn này, việc đứng lên ngồi xuống đối với người bệnh cực kỳ khó khăn, không thể lên cầu thang do mức độ khô khớp nặng. Tiếng kêu cọt kẹt, rột roạt trong khớp càng lớn.
Khi bác sĩ thăm khám, ấn khớp gối có cảm giác đau và sưng. Khớp sưng to là do tràn dịch, mọc chòi xương hoặc có khối u vùng khoeo mặt sau khớp.
Biến chứng của thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối gây nguy hiểm đối với người bệnh nếu tình trạng tiến triển thành những biến chứng, làm suy giảm chức năng vận động như:
- Gây cứng khớp.
- Hạn chế chức năng vận động, khiến người bệnh đi lại khó khăn, thậm chí phải sử dụng nạng.
- Biến dạng khớp gối, chi dưới bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài.
- Teo cơ.
- Bại liệt, tàn phế, phải dùng đến xe đẩy hoặc ngồi xe lăn để hỗ trợ đi lại.
Điều trị thoái hóa khớp gối hiệu quả
Điều trị bằng Tây y
Với cách điều trị bằng Tây y, bác sĩ sẽ chỉ định một trong số những nhóm thuốc chữa tùy thuộc vào từng giai đoạn bệnh và thể trạng mỗi người. Dưới đây là những loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn:
- Thuốc giảm đau nhẹ: Paracetamol…
- Thuốc giảm đau không steroid: Diclofenac, Aspirin…
- Thuốc giãn cơ: Myonal 50mg, Varafil
- Tiêm trực tiếp corticoid vào khớp: Tác dụng giảm đau, kháng viêm cực mạnh.
- Tiêm chất nhờn vào khớp gối: Giúp giảm đau, chống viêm và cải thiện chức năng vận động. Hiệu quả của phương pháp này tương tự như tiêm corticoid nội khớp nhưng đem lại tác dụng lâu dài hơn.
- Vitamin nhóm B: Các loại vitamin B1, B6, B12 giúp bồi bổ cơ thể, hỗ trợ tăng cường sức khỏe xương khớp.
Việc sử dụng các loại thuốc Tây y trong thời gian dài với liều lượng cao có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn cho người bệnh như: loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa hoặc gây hại cho sụn khớp. Vì lẽ đó, người bệnh thoái hóa khớp gối tuyệt đối không được lạm dụng thuốc, không tự ý kết hợp thuốc, phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
Với phương pháp tiêm, bệnh nhân cần được tiến hành tiêm tại các cơ sở uy tín. Nếu tiêm không đúng vị trí, có thể gây hoại tử xương, dính khớp, nhiễm trùng huyết.
Trong trường hợp việc dùng thuốc không đem lại hiệu quả điều trị, hoặc người bệnh không đáp ứng với việc dùng thuốc, bác sĩ có thể sẽ chỉ định phương pháp phẫu thuật thay khớp gối, tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân.
Điều trị bằng Đông y
Trong Đông y thường sử dụng các bài thuốc dân gian, thực hiện phương pháp bấm huyệt, châm cứu, điện phân. Nhằm làm giảm các triệu chứng viêm, sưng, đau của bệnh thoái hóa khớp gối. Qua đó, tác động vào nguyên căn của bệnh để giảm trừ bệnh từ gốc rễ.
Tuy vậy, nhiều bài thuốc Đông y hiện nay chưa được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng và mức độ an toàn. Do đó, để đảm bảo an toàn và đạt được hiệu quả điều trị tốt nhất. Người bệnh nên lựa chọn những thương hiệu uy tín, được Bộ Y tế chứng nhận và được các chuyên gia khuyên dùng bởi đau nhức xương khớp ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và cuộc sống.
Phòng ngừa thoái hóa khớp gối
Nếu không chăm sóc khớp gối đúng cách, mỗi người trong chúng ta đều có thể vô tình là thủ phạm đẩy nhanh tiến trình thoái hóa khớp gối. Cần phòng ngừa bệnh từ sớm với các biện pháp đơn giản dưới đây:
- Tập thể dục đều đặn mỗi ngày và tập đúng cách, có thể chơi các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp, tránh những động tác quá mạnh, quá đột ngột.
- Có chế độ ăn uống khoa học, giàu canxi và khoáng chất, tránh ăn nhiều chất béo, tránh dùng rượu bia và các chất kích thích thần kinh gây co cứng cơ.
- Kiểm soát tốt thể trạng, cân nặng, tránh thừa cân, béo phì.
- Những ai làm việc trong văn phòng sau 1 – 2 giờ ngồi làm việc cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút tránh cơ và khớp bị mỏi.
- Thường xuyên xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều, giúp cơ bắp thư giãn, lưu thông máu.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh lý xương khớp.
Người bệnh thoái hóa khớp gối nên ăn gì và kiêng ăn gì?
Người bệnh thoái hóa khớp gối nên ăn gì
- Các thực phẩm làm từ cá: Cá mòi, cá thu, cá ngừ…là những thực phẩm giàu axit omega 3. Có tác dụng chống viêm tốt, phù hợp với người bị thoái hóa khớp và viêm khớp.
- Các loại sữa: Bao gồm sữa chua, sữa tươi và các chế phẩm từ sữa rất giàu magie, canxi, vitamin D. Giúp xương chắc khỏe, ngăn chặn thoái hóa và các triệu chứng viêm.
- Rau xanh: Các loại rau như súp lơ, cải xanh chứa nhiều chất xơ, chất chống oxy hóa. Giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại các tác nhân gây viêm, chống oxy hóa và tái tạo lại sụn khớp.
- Gia vị: Tỏi, gừng, hạt tiêu… giúp chống viêm, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể rất tốt. Do đó cũng bảo vệ sụn khớp tốt hơn.
- Các loại quả: Dâu tây, nho, kỷ tử, cam… chứa nhiều chất chống oxy hóa và nhiều loại vitamin, canxi, kẽm, chất xơ và các khoáng chất có lợi cho sức khỏe.
- Các thực phẩm giàu glucosamine như nước hầm xương ống và sụn sườn từ bò, bê, lợn, dê… hay các thực phẩm giàu canxi như tôm, cua… cung cấp nhiều glucosamine và lượng canxi dồi dào cho cơ thể.
Người bệnh thoái hóa khớp gối nên kiêng gì
- Rượu, bia, thuốc lá, nước có ga và các chất kích thích
- Hạn chế thịt gà, kiêng ăn da gia cầm và các loại lục phủ ngũ tạng. Tiêu thụ lượng thịt đỏ và hải sản vừa phải
- Đồ ăn chế biến sẵn và chứa nhiều chất bảo quản
- Thực phẩm giàu axit oxalic như: quả mận, việt quất, củ cải…
- Ăn quá mặn hoặc quá ngọt. Cắt giảm đường, muối. Có thể sử dụng mật ong, đường tự nhiên để thay thế cho đường tổng hợp.
- Những món ăn quá nhiều dầu mỡ, có hàm lượng cholesterol cao…
Trên đây là tổng quan về bệnh thoái hóa khớp gối: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị hiệu quả nhất. Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp cho người bệnh khắc phục được căn bệnh hiện tại của mình. Đồng thời, đối với những ai không mắc bệnh, có thể phòng ngừa hiệu quả nhất. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!
Trả lời