Từ thuở xa xưa, bên cạnh cây đa, giếng nước, sân đình, con trâu cũng là một đặc trưng không thể thiếu của làng quê Bắc Bộ Việt Nam. Nó gắn liền với cuộc sống lao động một nắng hai sương của người nông dân. Những chú trâu có khi xuất hiện với hình ảnh chăm chỉ, cần mẫn, bên thửa ruộng cày, chia sẻ những vất vả, nhọc nhằn với người nông dân. Hoặc cũng có khi xuất hiện với hình ảnh khoan thai gặm cỏ bên tiếng sáo diều vi vu của trẻ mục đồng. Dù là ở đâu thì con trâu cũng luôn mang đến cho con người cảm giác gần gũi, thân thiết và toát lên đức tính cần lao, chịu thương chịu khó. Chính vì vậy mà con vật này đã đi vào cả trong văn học và trở thành đề tài thuyết mình của chương trình Ngữ văn lớp 9. Dưới đây là tổng hợp những bài văn tham khảo hay nhất khi thuyết minh về con trâu, mời bạn đọc cùng tham khảo.
Table of Contents
1. Dàn ý thuyết minh về con trâu
1.1. Mở bài
– Giới thiệu sơ lược về con trâu: loài vật quen thuộc trên đồng ruộng, gắn bó với cơ nghiệp của người nông dân từ bao đời nay, “bạn của nhà nông”.
1.2. Thân bài
– Giới thiệu về nguồn gốc của trâu Việt Nam: trâu ở nước ta thuộc nhóm trâu đầm lầy, được thuần hóa từ trâu rừng để sử dụng trong nông nghiệp. Việc thuần hóa này đã được ông cha ta thực hiện cách đây khoảng hơn 4000 năm.
– Đặc điểm:
+ Là động vật thuộc lớp thú.
+ Nhóm động vật nhai lại, dạ dày 4 túi.
+ Thức ăn chủ yếu: các loại cỏ, rơm rạ,…
+ Ngoại hình: thân hình to khoẻ, có 2 sừng dài nhọn dáng hình lưỡi liềm, đầu to và ngắn, da lông thường có màu xám hoặc đen.
+ Khả năng sinh sản: không cao, mang thai gần 11 tháng nên thông thường 2 lứa/3 năm, mỗi lứa chỉ 1 con.
– Tác dụng:
+ Cung cấp sức kéo để cày bừa, kéo xe,…
+ Cung cấp thịt với giá trị dinh dưỡng cao
+ Da và sừng được dùng để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ, sản xuất các sản phẩm thuộc da.
– Ý nghĩa của con trâu với đời sống người nông dân Việt Nam:
+ Là người bạn thân thiết, trung thành của nhà nông.
+ Là biểu tượng của nền nông nghiệp Việt Nam.
+ Trở thành một phần làm nên những nét đặc sắc cho văn hóa nước nhà (các phong tục, lễ hội,…).
- Hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng.
- Lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên.
- Linh vật biểu tượng của Sea Games 22 Đông Nam Á do Việt Nam đăng cai.
+ Nguồn cảm hứng sáng tác vô tận cho văn học, thơ ca quê hương.
1.3. Kết bài
– Tổng kết ý nghĩa của con trâu: loài vật có ích, thân thuộc, đóng vai trò quan trọng…
– Nêu cảm nghĩ và nhận định cá nhân và đưa ra lời khuyên, lời kêu gọi bảo vệ, gìn giữ loài vật này trước sự thay thế của máy móc công nghiệp hoá.
2. Tổng hợp 4 bài văn mẫu hay nhất thuyết minh về con trâu
2.1. Bài văn mẫu số 1
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà kể công
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”
Từ thời xa xưa, con trâu đã là người bạn thân thiết, gắn bó khăng khít với người nông dân Việt Nam. Bởi thế mà ông cha ta vẫn thường nói: “Con trâu là đầu cơ nghiệp”, cho thấy trâu có vị trí quan trọng như thế nào trong cuộc sống của nhà nông. Trâu Việt Nam có nguồn gốc là trâu rừng thuần hóa, thuộc nhóm trâu đầm lầy, phân bố rộng rãi khắp mọi miền của cả nước từ đồng bằng cho đến vùng cao. Bắt đầu từ hàng ngàn năm trước khi nền văn minh lúa nước ra đời, trâu đã gắn bó với con người. Người Việt cổ không những biết săn trâu mà còn biết cách thuần hóa trâu, tận dụng sức khỏe của trâu để phụ giúp việc đồng áng.
Trâu là loài động vật thuộc lớp thú có vú. Thân hình của trâu trông vô cùng vạm vỡ, to lớn. Lông trâu là lông mao, thường có màu đen hoặc xám đậm mọc trên lớp da rất dày, bóng loáng. Hai cái tai trông như hai cái lá đa, lúc nào cũng phe phẩy để đuổi ruồi. Tai trâu cũng rất thính, có thể nghe ngóng được động tĩnh từ một khoảng cách khá xa. Mũi trâu đen, ươn ướt. Người ta thường xỏ dây vào mũi trâu để kéo đi cho dễ. Mắt trâu to và tròn như hai hòn bi ve. Trên đầu là hai cái sừng uốn cong hình lưỡi liềm, giúp trâu tự vệ, chống lại sự tấn công của kẻ thù. Tương tự như bò, trâu cũng thuộc nhóm động vật nhai lại và chỉ có một hàm răng. Việc trâu chỉ có một hàm răng dưới được lý giải qua câu chuyện “Trí khôn của ta đây”. Theo đó, vì trâu mải cười con hổ bị người nông dân lừa nên đã ngã lăn xuống đất, hàm răng trên đập vào đá nên đã bị gãy mất. Đuôi trâu ngắn, cuối đuôi có một túm lông. Trâu có sức sinh sản kém, thời gian mang thai cũng khá dài, khoảng 11 tháng. Do đó trêu chỉ có thể đẻ 2 lứa trong 3 năm, mỗi lứa một con. Trâu con mới sinh ra được gọi là nghé.
Con trâu từ bao đời đã có vị trí quan trọng trong cuộc sống của người nông dân. Ngày trước, khi chưa có máy móc hiện đại, trâu thường phải làm những việc nặng nhọc: “Con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Từ sáng sớm tinh mơ, khi chú gà trống báo thức, trâu đã cùng người nông dân ra đồng làm việc. Bất kể là sáng hay tối, nóng nực hay giá rét, trâu đều chăm chỉ, cần mẫn cày hết thửa ruộng này đến thửa ruộng khác. Đến ngày gặt, trâu lại kéo xe chở lúa từ ruộng về nhà. Nhờ có trâu, người nông dân mới thu được những mùa màng bội thu. Ở miền núi, ngoài công việc đồng áng, trâu còn được nuôi để lấy sức kéo như chở hàng hoặc kéo xe, giúp con người vượt qua những con đường trắc trở hay những ngọn núi xa xôi. Vì thế nên trâu trở thành một gia sản rất quan trọng của người nông dân. Chẳng phải thế mà ca dao đã từng nói:“Tậu trâu, cưới vợ, làm nhà. Cả ba việc ấy, thật là khó thay.” Tuy công việc vất vả là vậy nhưng thức ăn của trâu lại rất giản dị, chỉ là cỏ hoặc rơm rạ và chút nước.
Bên cạnh sức kéo, trâu cũng có thể cung cấp nhiều tác dụng khác cho con người. Thịt trâu là một loại thức ăn giàu dinh dưỡng vì có hàm lượng đạm khá cao, chất béo thấp. Sừng trâu, da trâu được dùng làm đồ thủ công mỹ nghệ, da trâu làm mặt trống, giày, túi xách,… Không chỉ trong đời sống vật chất, trâu còn gắn bó mật thiết trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Trâu là hình ảnh tượng trưng cho người nông dân hiền lành, chăm chỉ, chịu khó. Trâu xuất hiện cả trong nhiều lễ hội truyền thống của người Việt. Điển hình như lễ hội chọi trâu được tổ chức hàng năm ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Những chú trâu tham dự cuộc thi đều là những chú trâu to nhất, khỏe nhất, được chọn lọc và chăm sóc hết sức kĩ càng. Để giành được vinh quan cho chủ và bản thân, mỗi chú trâu đều phải chiến đấu quyết liệt với biết bao đối thủ khác. Ngoài chọi trâu ở Đồ Sơn, lễ hội đâm trâu ở Tây Nguyên cũng rất nổi tiếng và hấp dẫn.
Trong tuổi thơ của mỗi đứa trẻ quê cũng đâu thể thiếu hình ảnh con trâu dưới lũy tre làng – một hình ảnh rất đỗi bình dị, êm đềm. Nhà thơ Giang Nam từng viết trong bài thơ “Quê hương”:
“Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường,
Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ.
Ai bảo chăn trâu là khổ
Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao.”
Nhớ làm sao những buổi chiều chăn trâu trên cánh đồng làng, cánh diều no gió bay vút cao trên trời xanh trong tiếng sáo diều vi vu. Nhớ những ngày hè nóng nực, người và trâu cùng nhau hòa mình trong dòng nước mát. Trâu không chỉ đi vào ca dao, văn thơ mà còn trở thành biểu tượng của SEA GAMES 22 được tổ chức tại Việt Nam. Đó là hình ảnh đại diện cho con người Việt Nam chịu thương, chịu khó, chất phác, hiền lành, đôn hậu.
Ngày nay, khi cuộc sống của con người tiên tiến, đổi mới, nhiều máy móc hiện đại ra đời thay thế cho sức kéo của trâu. Tuy vậy, trâu vẫn là một người bạn quý giá mang ý nghĩa đặc biệt với người nông dân. Mỗi khi nhìn thấy hình ảnh chú trâu trên cánh đồng bát ngát, chúng ta chắc chắn sẽ bất giác nhớ về quê hương đầy thanh bình, yêu dấu.
2.2 Bài văn mẫu số 2
Con trâu là hình ảnh đã gắn liền với làng quê Việt Nam, với những khóm tre, với đồng ruộng và với người nông dân chân lấm tay bùn từ bao đời nay. Mỗi khi nhắc đến hình ảnh con trâu chúng ta lại nghĩ ngay đến vai trò to lớn của nó đối với nông nghiệp nước nhà, đó là biểu tượng cho sự cần cù, chăm chỉ, chất phác của con người Việt Nam.
Ông cha ta lâu nay vẫn truyền dạy rằng “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Con trâu chính là gia tài đáng quý hơn cả với những người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời.
Có rất nhiều tài liệu về nguồn gốc, xuất xứ của trâu tại Việt Nam, tuy nhiên chưa có một tài liệu nào nói đến sự ra đời chính xác của trâu là như thế nào. Ở Việt Nam có khí hậu nhiệt đới gió mùa đặc trưng nên trâu có nguồn gốc là trâu rừng thuần hóa, hay còn gọi là trâu đầm lầy. Mặc dù tuỳ vào điều kiện địa lí mà trâu ở mỗi vùng miền lại có những đặc tính sinh trưởng khác nhau nhưng giữa chúng vẫn có nhiều nét chung. Như nhiều loài thú có vú khác, trâu cũng có 2 giới tính là đực và cái. Chúng có các đặc tính giống nhau nhưng khác nhau về hình dáng, kích thước thì khác nhau, tuy nhiên không đáng kể. Trâu đực thường to lớn và cao hơn trâu cái, sừng cũng to và dày hơn, đôi chân chắc nịch, lúc chạy rất khoẻ và nhanh. Đầu của trâu đực cũng lớn hơn trâu cái. Tuy vậy nhưng bản tính của trâu vốn hiền hoà, chậm chạp, nặng nề. Mỗi con trâu trưởng thành thường có khối lượng trung bình từ 200kg đến 500kg tùy vào sức khỏe và giới tính của mỗi con. Đặc biệt trâu không có hàm răng trên. Đây là đặc điểm để phân biệt trâu với các loài cùng họ khác. Trâu thuộc nhóm động vật nhai lại, sức nhai của trâu rất bền.
Sừng của trâu khá dài và cong như lưỡi liềm nhưng cấu tạo bên trong lại rỗng tuếch. Chân trâu rất to, chắc, bàn chân ngắn, mập, lúc bước đi thường chệnh choạng ra hai bên. Sức tải của trâu rất dẻo dai, nó có thể chở được rất nhiều đồ đạc. Da của trâu rất dai, dày và chắc nên ngày xưa cha ông ta vẫn làm áo hoặc căng mặt trống bằng da trâu. Lông trâu là loại lông tơ, thường có màu đen, nhưng có một số con có màu vàng nhạt, đó là do chúng đã bị lai giống.
Bao đời nay, trâu vẫn luôn được xem là người bạn thân thiết của nhà nông. Từ công việc cày bừa, đồng áng, kéo lúa, kéo ngô cho đến chở hoa màu…đều đến “lượt” của nó. Trâu có sức khỏe rất dẻo dai, nó có thể làm quần quật cả ngày mà không biết mệt. Nhưng thức ăn của nó cũng không cầu kỳ, chỉ là cỏ, rơm rạ khô hoặc cám. Tuy vậy, sức ăn của nó cũng rất nhiều và đặc biệt trâu uống rất nhiều nước. Thay đổi thời tiết có thể gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của trâu nên người nông dân thường cho trâu ra ao tắm tầm 30 phút hằng ngày vào mùa hè và lót rơm rạ ở chuồng cho trâu nằm để giữ ấm vào mùa đông. Trâu sinh con và nuôi con bằng sữa, con non được gọi là nghé.
Với người nông dân, con trâu chính là cơ ngơi, là gia sản quý giá mà họ có nên việc chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo vệ trâu là cực kì cần thiết. Nếu thiếu đi con trâu người nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn trong công việc nhà nông vì nó có sức kéo, sức cày bừa, sinh đẻ…
Bên cạnh trâu cũng có giá trị thực phẩm cao. Thịt trâu ăn rất ngon, thơm và bổ dưỡng. Sừng trâu, da trâu còn dùng để làm các đồ vật trang trí, trang sức, quần áo cho con người. Đồng thời nó cũng là con vật linh thiêng trong các lễ hội lớn như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn hay đâm trâu ở Tây Nguyên. Đặc biệt, con trâu còn xuất hiện tại Seagame 22 do Việt Nam đăng cai với vai trò là linh vật. Con trâu thực sự là biểu tượng, là niềm tự hào của người dân ta. Nó mang ý nghĩa đại diện cho sự cần cù, chăm chỉ, cần mẫn, hiền lành chất phác của người nông dân. Trâu cũng gắn liền với kỉ niệm tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em nông thôn, cùng các em lớn lên từng ngày.
Mặc dù hiện ngày càng xuất hiện nhiều loại máy móc, phương tiện hiện đại dần thay thế vai trò của trâu nhưng trâu vẫn luôn là hình ảnh thân thuộc trong tâm trí của người nông dân vì nó luôn là người bạn đồng hành đáng tin cậy và hiền lành nhất.
2.3 Bài văn mẫu số 3
Từ bao đời nay, sự phát triển hưng thịnh của đất ta đã gắn liền với nền văn minh nông nghiệp lúa nước. Để đạt được thành tựu này, ông cha ta phải lao động cật lực và nặng nhọc. Do đó không thể không kể đến vai trò to lớn của con trâu – người bạn thân thiết cùng chia ngọt sẻ bùi với người nông dân, cùng người nông dân cày xới đất đai, chung vui niềm vui ngày được mùa.
Không có ai biết chính xác nguồn gốc của loài trâu ngày nay mà người ta chỉ biết chúng xuất hiện nhiều ở những quốc gia châu Á như Băng-la-đét, Pa-xki-tan, Nê-pa, Việt Nam, Thái Lan,… Đặc biệt, các di tích hóa thạch của trâu cách đây vài chục triệu năm đã được tìm thấy ở các hang động miền Bắc nước ta. Theo khoa học, trâu là loài vật thuộc lớp thú Mammalia, họ bò, bộ nhai lại, nhóm sừng rỗng, bộ guốc chẵn. Hiện nay, hầu hết trâu tại Việt Nam đều có nguồn gốc thuần hóa từ trâu rừng, thuộc nhóm trâu đầm lầy.
Xét theo giới tính, trâu được chia thành trâu đực và trâu cái. Chúng sở hữu thân hình vô cùng to lớn, vạm vỡ. Cân nặng trung bình của trâu đực là từ 400 – 450 kg còn trâu cái nặng từ 350- 400 kg. Da trâu đen, dày, bóng loáng và được phủ bởi một lớp lông mao mềm bên ngoài nên có cảm giác khá mượt mà. Hai tai trâu khá thính, to như hai cái lá đa, thi thoảng chúng lại phe phẩy để đuổi ruồi. Mũi nó to, lúc nào cũng ươn ướt, sừng hình lưỡi liềm. Mắt trâu to, tròn như hai hòn bi ve nhìn rất hiền lành. Giống như bò, trâu cũng thuộc nhóm động vật nhai lại. Đặc biệt miệng trâu chỉ có hàm răng dưới mà không có hàm răng trên. Đuôi trâu ngắn, có một túm lông nhỏ ở cuối đuôi. Bụng trâu to được chống đỡ bởi bốn chân vững như cột nhà. Hai chân trước thẳng, cách xa nhau còn hai chân sau to dài và cong. Bàn chân trâu ngắn, vừa phải có móng rất cứng, đen bóng và kít tròn. Trâu là động vật thuộc lớp thú có vú nên nó nuôi con bằng sữa mẹ. Mỗi năm trâu chỉ đẻ một lứa, mỗi lứa một con. Trâu con mới sinh ra chưa gọi là trâu ngay mà sẽ gọi là nghé.
Con trâu trong đời sống có giá trị vật chất rất lớn. Trâu là người bạn thân thiết, gắn bó khăng khít với cuộc sống làng quê, quanh năm suốt tháng nó vất vả quần quật cùng con người, kéo cày, kéo bừa,… Khi khoa học còn chưa phát triển, trâu chính là gia sản lớn nhất của mỗi nhà nông, ấy vậy nên mới có câu “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Nếu thiếu đi con trâu người nông dân khi ấy sẽ không thể cấy cày, trồng trọt. Bất kể dẫu ngày nắng hay ngày mưa, chỉ cần người cần đến, trâu luôn sẵn sàng cùng con người ra sức làm lụng cày cấy, đem lại no ấm cho cả gia đình.
Đồng thời, trâu còn là một nguồn cung cấp thực phẩm dinh dưỡng cho con người. Thịt trâu có hàm lượng đạm khá cao, ít béo. Sữa trâu cung cấp chất đạm, chất béo. Da trâu dùng làm mặt trống, làm túi xách, giày dép,… Sừng trâu làm nhiều đồ thủ công mỹ nghệ như lược, tù và,..
Trong đời sống văn hoá tinh thần, trâu là một trong 12 con giáp, gọi là “Sửu”, trở thành con vật gắn liền với tuổi tác của con người. Cũng như bản tính của trâu, người mang tuổi trâu thường rất chăm chỉ, cần cù. Nó cũng là con vật dùng để tế lễ thần linh trong ngày thiêng liêng trọng đại như lễ cơm mới, lễ xuống đồng. Trâu còn đi cả vào trong ca dao, tục ngữ, trở thành hình tượng thơ ca, văn học phản ánh lịch sử phát triển của nền văn minh lúa nước quê hương suốt mấy nghìn năm qua. Hình ảnh những cô bé, cậu bé vắt vẻo trên lưng trâu bên cạnh tiếng sáo trúc và con diều giấy đã trở thành một phần trong ký ước tuổi thơ và biểu tượng đặc trưng của nhiều làng quê Việt Nam.
Một trong những lễ hội nổi tiếng nhất về trâu là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Chú trâu thậm chí đã vượt ra khỏi lũy tre làng để xuất hiện vào cả các hoạt động văn hóa thể thao. Hình ảnh linh vật “trâu vàng” trong Sea Games 22 chính là niềm tự hào của đất nước chúng ta trước bạn bè thế giới, trở thành biểu tượng cho sự trung thực, cho sức mạnh và tinh thần thượng võ trong thi đấu thể thao.
Năm tháng qua đi, cuộc sống đã có nhiều đổi thay, bộ mặt làng quê ngày một khang trang, đẹp đẽ hơn với sự xuất hiện của nhiều máy móc nông nghiệp hiện đại thay thế vai trò của trâu trong lao động nhưng trâu vẫn mãi là loài vật gắn bó với con người Việt Nam. Trâu mãi mãi trở thành một nét đẹp văn hóa, bản sắc dân tộc và là niềm tự hào bất diệt của nhân dân ta. Để rồi trôi qua bao nhiêu năm đi chăng nữa, người ta vẫn mãi ngân nga:
“Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.”
2.4 Bài văn mẫu số 4
Mỗi khi nhắc đến nền văn minh lúa nước Việt Nam, ta không thể không nhắc đến hình ảnh người nông dân cùng con trâu kéo cày trên đồng ruộng. Không biết tự bao giờ, con trâu đã trở thành người bạn thân thuộc nhất của nhà nông, bầu bạn sớm tối với họ trên những đồng lúa trải dài mênh mông bát ngát.
Trâu là loài vật thuộc họ Bò, nhóm Trâu đầm lầy, bộ Guốc chẵn và là loài Nhai lại, nhóm Sừng rỗng, chủ yếu sống ở khu vực Nam Á, Đông Nam Á và miền Bắc Úc. Chúng có nguồn gốc từ loài trâu rừng đã được con người thuần hóa hàng ngàn năm trước. Con trâu còn xuất hiện trong một truyền thuyết nổi tiếng trong dân gian, qua trí tưởng tượng và sức sáng tạo của dân ta ngày trước. Chuyện kể rằng trâu thực chất là một vị thần trên trời, do có bản tính lười biếng, hấp tấp khi gieo hạt giống cây trồng gây nên nạn đói cho nhân gian, chính vì thế mà ngọc hoàng phạt “vị thần” ấy hoá thân thành một con vật phải luôn gắn liền với những cánh đồng ruộng mênh mông, giúp đỡ nông dân trong mùa gặt hay khi cày cấy.
Trâu có tuổi thọ khoảng 20 năm, khi trưởng thành đạt trọng lượng trung bình từ 250 – 500 kg tuỳ loài, có loài còn nặng lên đến 800 – 1200 kg. Trâu có tập tính sống theo bầy đàn và có mức độ “trung thành” với chủ khá cao. Về đặc điểm hình dáng, phần lớn các loài trâu đều có bộ da màu đen nhạt, khá dày nhưng cũng có loài có màu trắng nhạt hoặc nâu vàng. Trên đầu chúng có hai cặp sừng dài và cứng hình lưỡi liềm nhưng bên trong lại rỗng, phát triển hơn sừng của loài bò, hai đôi tai to như lá đa. Mắt trâu to, tròn, mõm khá rộng. Đặc biệt hàm răng trâu lớn nhưng lại chỉ có duy nhất một hàm răng dưới. Các răng của chúng cũng không mọc liền kề mà cách nhau tạo nên một khoảng hở rộng nên đây là lý do mà trâu có tập tính nhai lại để nghiền kỹ thức ăn. Phần thân của chúng khá to lớn, dài khoảng hơn một mét, bốn chân lớn và dài, mỗi bàn chân đều gắn guốc chẵn. Giống như những loài động vật nhai lại khác, trâu cũng có dạ dày bốn ngăn gồm dạ cỏ, dạ lá sách, dạ tổ ong và dạ múi khế. Khi thức ăn lần đầu vào dạ dày, chúng sẽ trải qua các quá trình biến đổi ở bốn ngăn sau đó quay lại khoang miệng để nhai lại. Quá trình tiêu hoá này đi lặp lại nhiều lần cho đến khi thức ăn hoàn toàn được hấp thu. Hoạt động sẽ diễn ra tầm gần 8 tiếng. Chính vì vậy nên đôi khi ta sẽ bắt gặp trâu đang nhai gì đó dù chúng không hề ăn thêm thức ăn mới. Trong thời kỳ sinh sản, trâu cái mang thai kéo dài tầm khoảng mười một tháng, tuỳ thuộc vào chủng loại trâu mà thời gian thai kỳ có thể dài hơn hoặc ngắn hơn. Đặc biệt, hầu hết tất cả các loài trâu đều chủ yếu chỉ đẻ một con trong một lứa, rất hiếm khi sinh từ hai con trở lên. Trâu con khi mới được sinh ra không được gọi là trâu ngay mà sẽ gọi là nghé. Khi nghé đủ hai năm tuổi, chúng sẽ bước vào thời kỳ trưởng thành và dần hoàn thiện cho đến hết thời kỳ trưởng thành.
Trâu có thể được nuôi nhỏ lẻ ở các hộ gia đình bằng rơm rạ, cỏ dại, rau xanh hoặc nuôi số lượng lớn trong các trang trại bằng đạm, ngũ cốc hoặc cỏ sấy khô. Tuy cùng thuộc họ trâu nhưng nếu trong khi trâu nhà lành tính, hiền hoà thì trâu sống hoang dã lại thường rất hung dữ, hiếu chiến nên tại Tây Ban Nha, chúng còn được huấn luyện để phục vụ cho các cuộc đấu chọi trâu.
Tác dụng to lớn của trâu đối với đời sống con người là không cần phải bàn cãi. Chúng mang lại rất nhiều giá trị, lợi ích tuyệt vời cho đời sống. Hiển nhiên nhất là cung cấp sức kéo thay người dân vác cày nặng để cấy lúa, mang vác một số vật nặng nhất định. Tuy nhiên hiện nay, thời đại công nghệ hoá khiến máy móc dần thay thế sức kéo của trâu nên trâu được nuôi chủ yếu để lấy thịt. Trâu cung cấp nguồn thực phẩm lớn giàu dinh dưỡng, thường dùng làm các món khô sấy, hoặc xào với rau,.. Không chỉ vậy, trâu còn giữ một vị thế quan trọng trong đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ta. Trước hết nó là người bạn của nhà nông, là bạn đồng hành với tuổi thơ của biết bao thế hệ cô bé, cậu bé ngày ngày chăn trâu cắt cỏ trên đê làng. Tiếp đến, trâu còn là nguồn cảm hứng sáng tác vô tận của thơ ca, văn chương. Nó cũng là loài vật được sử dụng cho các dịp cúng tế thần linh và lễ hội. Đặc biệt, trâu chính là linh vật trong Sea Games 22, đại diện cho thể thao nước ta với hình tượng trâu vàng.
Ở những quốc gia khác, trâu cũng mang vai trò lớn không kém. Nếu như trâu là đại diện cho nền văn minh lúa nước ở nước ta thì tại Phi – líp –pin trâu chính là biểu tượng của quốc gia ấy hay là thánh vật của Trung Quốc. Có thể thấy, trâu luôn giữ được vị thế quan trọng, làm nên nét đẹp nổi bật đặc trưng tại mỗi quốc gia, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước châu Á, châu Âu.
Vai trò và lợi ích của con trâu trong đời sống vật chất, văn hoá tinh thần của con người đã được khẳng định từ bao đời nay. Tuy hiện nay số lượng cá thể trâu vẫn rất lớn nhưng chúng vẫn có thể bị tuyệt chủng bất cứ lúc nào nếu nguồn thức ăn bị cạn kiệt, các bệnh dịch không được ngăn chặn kịp thời hoặc con người khai thác, sử dụng thịt và các sản phẩm từ trâu quá mức. Bên cạnh đó, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu cũng có thể khiến trâu gặp bất lợi nếu chúng không thích nghi kịp. Chính vậy thế mỗi người trong chúng ta nên tự nâng cao ý thức bảo vệ môi trường bởi mỗi hành động, dù nhỏ nhất vẫn có thể tác động tiêu cực làm ảnh hưởng trực tiếp đến sinh tồn của loài vật này.
Trên đây là tổng hợp những bài văn thuyết minh hay nhất về con trâu. Bạn đọc hãy tham khảo để có nguồn tư liệu hữu ích giúp bài văn của mình trở nên lôi cuốn và hấp dẫn hơn nhé.
Trả lời